0

Nhận biết rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên | Safe and Sound

Rối loạn hành vi được các chuyên gia tâm lý định nghĩa là kiểu hành vi lặp đi lặp lại và kéo dài trong đó các quyền cơ bản của người khác hay các chuẩn mực xã hội bị vi phạm. Rối loạn hành vi ảnh hưởng tới các hoạt động xã hội, học tập hay lao động.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

1. Đặc điểm rối loạn hành vi

Các chuyên gia tâm lý phân loại rối loạn hành vi dựa trên tuổi khởi phát:

  • Thể khởi phát tuổi trẻ em: Rối loạn hành vi trước 10 tuổi. Những trẻ này có thể có rối loạn hành vi dai dẳng và phát triển thành nhân cách bệnh chống xã hội ở người lớn. 
  • Thể khởi phát tuổi thanh thiếu niên: Rối loạn hành vi xuất hiện sau 10 tuổi, những trẻ này ít biểu hiện hành vi hung hãn hơn thể trên.

Chuyên gia tâm lý phân loại mức độ rối loạn hành vi gồm:

  • Nhẹ: Có ít các vấn đề về hành vi và các hành vi này gây hại tương đối nhỏ cho người khác (ví dụ: nói dối, trốn học, sống qua đêm ngoài gia đình không được phép).
  • Trung bình: Số rối loạn hành vi và hậu quả gây hại cho người khác ở mức giữa nhẹ và nặng (ví dụ ăn cắp không đối mặt với nạn nhân, phá hoại tác phẩm văn hoá).
  • Nặng: Có nhiều rối loạn hành vi và gây hại đáng kể cho người khác (ví dụ: cưỡng dâm, độc ác về thể chất, sử dụng vũ khí, ăn cắp đối mặt với nạn nhân, phá phách).

Ảnh 1: Rối loạn hành vi có thể được xem như là sự thiếu xã hội hoá

Theo các chuyên gia tâm lý, rối loạn hành vi có thể được xem xét như là sự thiếu xã hội hoá. Trẻ mất dần sự học hoặc không được dạy một cách hiệu quả các chuẩn mực của xã hội.

Các chuyên gia tâm lý khuyến cáo, nam giới rối loạn hành vi thường có biểu hiện đánh nhau, ăn cắp, phá hoại các tác phẩm văn hoá và các vấn đề kỷ luật của trường học. Ở nữ giới rối loạn hành vi thường là biểu hiện nói dối, trốn học, bỏ nhà đi,... Hành vi hung hãn đối mặt thường được biểu hiện nhiều hơn ở nam. 

2. Nguyên nhân gây rối loạn hành vi

Theo các chuyên gia tâm lý, hành vi chống xã hội thường do nhiều nguyên nhân, hiếm khi chỉ do một nguyên nhân gây ra. Vấn đề chủ yếu của rối loạn này là thiếu việc học các chuẩn mực xã hội. 

2.1. Yếu tố thể chất

  • Yếu tố gen: Các chuyên gia tâm lý nhận thấy, có nhiều gen có vai trò trong rối loạn này. Tuy nhiên, điều này chưa thật sự có tính thuyết phục.
  • Nhiễm sắc thể bất thường: Thừa nhiễm sắc thể Y có thể tăng hành vi chống xã hội và những vấn đề cảm xúc khác. 
  • Tổn thương khi đẻ non, những yếu tố ảnh hưởng đến phôi và thai: Điều này có thể góp phần gián tiếp vào hành vi chống xã hội bởi nguyên nhân gây tổn thương não.

2.2. Bệnh cơ thể và tổn thương

Tổn thương não sau sinh có thể liên quan tới hành vi chống xã hội. Theo các chuyên gia tâm lý, não bị tổn thương làm cho trẻ học tập khó khăn.

2.3. Yếu tố môi trường

Ảnh 2: Trẻ sống trong gia đình không hạnh phúc có thể là nguyên nhân gây rối loạn hành vi

  • Gia đình: Các chuyên gia tâm lý cho biết, trẻ sống trong gia đình chuyển nhà liên tục hoặc sống tự do, ở trại mồ côi, thường bị thiếu kinh nghiệm học tập cần cho quá trình xã hội hoá, mối quan hệ không hài hoà giữa bố mẹ, giữa các thành viên trong gia đình, chia cắt sớm hoặc nhập viện, vắng mặt người bố, mâu thuẫn giữa nhân cách của bố mẹ và trẻ, khó khăn về kinh tế và nhiều rối loạn khác của hệ thống gia đình,... có thể là nhân tố cho sự xuất hiện rối loạn hành vi ở trẻ.
  • Ngoài gia đình:
    • Chuyển trường.
    • Tỷ lệ trẻ rối loạn hành vi ở thành phố cao hơn ở nông thôn, đặc biệt ở khu vực tầng lớp khó khăn của một thành phố lớn. Điều này có thể do sự giám sát trẻ ở thành phố khó hơn ở nông thôn.
    • Thanh thiếu niên chịu ảnh hưởng của nhóm bạn. Rối loạn hành vi, hành vi phạm tội thường có tính chất nhóm hơn là một mình. 

3. Các biểu hiện rối loạn hành vi

  • Rối loạn hành vi đầu tiên thường rõ rệt ở trong gia đình.
  • Dấu hiệu sớm có thể là ăn cắp tái diễn, nói dối, không vâng lời hoặc hành vi hung bạo,
  • Những vấn đề trên có thể biểu hiện ở ngoài gia đình: trường học, vùng lân cận hoặc cả hai.
  • Trốn học, trốn nhà hoặc phá hoại công trình văn hoá, bẻ khoá vào nhà ăn trộm.
  • Triệu chứng “không xã hội hoá” của rối loạn hành vi bao gồm không vâng lời, cãi cọ, tấn công, ăn trộm, nói dối,... Trẻ thường không có bạn thân lâu dài.
  • Trẻ rối loạn hành vi “xã hội hoá” thường có tính chất nhóm.

Ảnh 3: Trẻ bị rối loạn hành vi thường có hành động bạo lực gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng

  • Ăn trộm là phổ biến trong rối loạn hành vi. Theo chuyên gia tâm lý, nó trở nên bất thường khi nghiêm trọng, dai dẳng và thiếu đáp ứng với những biện pháp kiểm soát của bố mẹ hoặc những người khác.
  • Hành vi công kích: Tính khi giận dữ, to tiếng, tấn công người khác. Có thể xảy ra do một nguyên nhân bên ngoài nào đó hoặc không.
  • Phá hoại công trình văn hoá thường là hoạt động mang tính chất nhóm của thanh thiếu niên.
  • Gây cháy ít gặp nhưng là một triệu chứng quan trọng.
  • Nghiện ma tuý là đặc điểm đặc trưng thường gặp của rối loạn hành vi, đặc biệt ở thanh thiếu niên.
  • Hành ti tính dục sai lệch là điểm đặc trưng của một số rối loạn hành vi, quan hệ tính dục ở tuổi sớm hoặc ở tuổi trước khi pháp luật cho phép. Các chuyên gia tâm lý cho biết, hiếp dâm hoặc xâm phạm tình dục khác có thể là một phần của rối loạn hành vi chống xã hội, đặc biệt ở tuổi thanh thiếu niên với rối loạn hành vi nghiêm trọng.
  • Phạm tội vị thành niên: thường gặp trong các rối loạn hành vi.
: Nhận biết rối loạn hành vi tuổi thanh thiếu niên | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound